Lượt xem: 1876

Kỷ niệm 47 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2022): Nông thôn miền Tây thắng Mỹ trên 3 vùng chiến lược

Kỷ niệm 47 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2022), chúng ta không thể nào quên những chiến công to lớn của nông thôn miền Tây thắng đế quốc Mỹ trên 3 vùng chiến lược giai đoạn 1954 - 1975.

 

    Ở một nước thuộc địa với nền nông nghiệp lạc hậu, muốn chống lại một đế quốc hùng mạnh, tất yếu phải tiến hành chiến tranh nhân dân. Và trong điều kiện đó, như cố Tổng Bí thư Lê Duẩn chỉ ra rằng: “Tiến hành chiến tranh nhân dân phải dựa trên cơ sở nông thôn”, có nghĩa là phải dựa vào nông thôn. Chính vì vậy, nông thôn miền Tây Nam bộ đã trở thành một trong những địa bàn chiến lược trọng yếu, giữ vai trò hết sức quan trọng trong cuộc chiến đấu bền bỉ với quân xâm lược Mỹ và thắng Mỹ trên cả 3 vùng chiến lược: Đô thị, nông thôn đồng bằng và miền núi.

    Riêng Sóc Trăng, Tỉnh ủy Sóc Trăng xác định 3 vùng chiến lược là: Đô thị, nông thôn đồng bằng và ven biển. Nông thôn đồng bằng là hậu phương tại chỗ của cách mạng, là vùng có tiềm lực lớn về kinh tế, chính trị, quân sự. Hoạt động của ta chủ yếu là chiến tranh du kích kết hợp chặt chẽ với đấu tranh chính trị và nổi dậy của quần chúng, nhằm đánh vào chiến lược bình định nông thôn của địch, có tác dụng hỗ trợ tích cực cho phong trào đấu tranh ở đô thị. Làm chủ được nông thôn đồng bằng, ta có hành lang an toàn để giữ vững căn cứ địa, đồng thời áp sát đô thị để tiến công vào căn cứ lớn, các đường giao thông huyết mạch của địch, nơi tập trung các cơ quan đầu não của chúng và là căn cứ quân sự lớn của Mỹ.

    Miền Tây Nam bộ, trừ các đô thị (chiếm tỷ lệ nhỏ), còn lại là vùng nông thôn rộng lớn với sông ngòi và kênh rạch chằng chịt. Ở đây có những cánh rừng khá lớn như: Rừng tràm U Minh (thượng và hạ), rừng đước Năm Căn, rừng lá dừa nước, rừng bần, rừng mắm… ở các tỉnh ven biển, vùng bưng biền đồng trũng (Đồng Tháp Mười) đều nằm trên địa bàn đồng trũng, bãi triều ngập mặn, bị chia cắt bởi hệ thống sông ngòi dày đặc, không tạo ra địa thế hiểm trở. Bên cạnh đó, trong giai đoạn này, nhân dân miền Tây Nam bộ phần lớn là nông dân nghèo, đã thấm thía tận xương tủy cảnh nô lệ, bị áp bức, bóc lột bởi chế độ thực dân phong kiến. Căm thù thực dân phong kiến, lại được giác ngộ lý tưởng cách mạng, người dân đã một lòng theo Đảng và Hồ Chủ tịch, sẵn sàng hy sinh cho sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

    Với đặc điểm trên, nông thôn miền Tây Nam bộ có những điều kiện thuận lợi để có thể gánh vác những nhiệm vụ quan trọng trong kháng chiến chống Mỹ, góp phần to lớn vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà.

    Từ các cơ sở chính trị ban đầu ở các làng, xã đến sự hình thành và phát triển của lực lượng vũ trang, từ đấu tranh chính trị và đấu tranh diệt ác, phá kềm đến khởi nghĩa từng phần và phong trào Đồng Khởi, nhân dân miền Tây Nam bộ đã phá vỡ từng mảng lớn chính quyền cơ sở của địch ở làng, xã, giải phóng nhiều vùng nông thôn rộng lớn. Phong trào Đồng Khởi của miền Tây Nam bộ được nhân rộng trên toàn miền Nam, tạo điều kiện cho cách mạng miền Nam chuyển từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tiến công, từ khởi nghĩa từng phần sang chiến tranh cách mạng.

    Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, nông thôn miền Tây Nam bộ đã xây dựng được những căn cứ địa cách mạng lớn, nổi tiếng như: Căn cứ U Minh, Năm Căn, Đồng Tháp và một số căn cứ địa của các tỉnh là chỗ đứng chân của các cơ quan lãnh đạo cách mạng Khu 8, Khu 9 và các tỉnh miền Tây Nam bộ; là trung tâm chỉ huy kháng chiến của khu vực; nơi cất giấu kho tàng, bệnh viện, binh công xưởng cấp khu… Sự tồn tại của các căn cứ địa cách mạng ở nông thôn miền Tây Nam bộ buộc đối phương tốn nhiều tiền của, vũ khí và quân lực trong các chiến dịch hành quân quy mô lớn nhằm tiêu diệt trung tâm chỉ huy kháng chiến của miền Tây.

    Trong kháng chiến chống Mỹ, vùng giải phóng ở nông thôn miền Tây Nam bộ không ngừng được mở rộng. Đảng và Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam đã phát động phong trào xây dựng vùng giải phóng thành làng, xã chiến đấu. Đây là chủ trương đúng đắn và sáng tạo, nhằm thu hút đông đảo lực lượng nông dân tham gia mọi hình thức vào cuộc chiến tranh nhân dân rộng lớn của dân tộc. Làng, xã chiến đấu đã trở thành trận địa tiến công của nông dân, của chiến tranh du kích nhằm bẻ gẫy kế hoạch bình định nông thôn, một bộ phận quan trọng trong tất cả các chiến lược xâm lược miền Nam của đế quốc Mỹ. Hơn nữa, miền Tây Nam bộ luôn là trọng điểm trong kế hoạch bình định nông thôn của chúng.

    Hệ thống làng, xã chiến đấu ở nông thôn miền Tây Nam bộ tạo thành thế liên hoàn rất thuận lợi cho việc bảo vệ lực lượng cách mạng, cho việc vận chuyển chiến lược và các vấn đề liên lạc giữa các căn cứ địa với nhau và với cấp trên. Đồng thời, lại nằm xen kẽ giữa các vùng địch tạm chiếm, có khi áp sát đô thị tạo thành một thế trận độc đáo của cuộc chiến tranh nhân dân chống Mỹ. Đó là thế “cài răng lược”, một hình thái chiến tranh không chiến tuyến, làm cho đối phương không thể phát huy ưu thế của một đội quân hiện đại với vũ khí tối tân. Trái lại, địch luôn luôn phải đối phó với lối đánh du kích của nông dân miền Tây Nam bộ.

    Về chính trị, nông thôn miền Tây Nam bộ với vai trò hậu phương tại chỗ, là nơi huy động một lực lượng chính trị hùng hậu bao gồm quần chúng nông dân và các tầng lớp nhân dân khác, tham gia vào cuộc đấu tranh chính trị sôi nổi và rộng khắp, góp phần làm cho tình hình chính trị - xã hội của địch thường xuyên bất ổn.

    Nông thôn miền Tây Nam bộ, được sự chỉ đạo sát sao của Trung ương và sự chi viện rất lớn của hậu phương miền Bắc về quân trang, quân dụng và cả về quân số chiến đấu. Đặc biệt là sự nỗ lực của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân miền Tây Nam bộ đã nhanh chóng vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh để tiếp tục chiến đấu đến thắng lợi cuối cùng vào ngày 30/4/1975.

    Sau 47 mùa xuân yên bình, nhìn lại nông thôn miền Tây Nam bộ, người dân có cuộc sống ngày càng sung túc, ấm no, tươi vui và hạnh phúc. Đó là kết quả của sự thống nhất, đồng lòng cùng xây dựng và phát triển quê hương./.

Lê Trúc Vinh



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 70
  • Hôm nay: 7069
  • Trong tuần: 77,776
  • Tất cả: 11,801,096